HỎI THƯA VỀ BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH
BÀI 41 – BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH
“Thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội”. (Dt 5,1).
324/ H. Bí tích Truyền Chức Thánh là gì?
T. Là bí tích Chúa Giêsu đã lập, để ủy thác sứ vụ của Ngài cho các Tông đồ, nhờ đó sứ vụ này tiếp tục thực thi trong Hội Thánh cho đến ngày tận thế. [322]
325/ H. Chúa Giêsu lập Bí tích Truyền Chức Thánh khi nào?
T. Chúa Giêsu lập Bí tích Truyền Chức Thánh trong Bữa Tiệc Ly, khi Ngài nói với các Tông đồ rằng: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). [GLHTCG 874. 875. 1341]
326/ H. Vì sao gọi là Bí tích Truyền Chức Thánh?
T. Vì bí tích này thánh hiến người thụ phong và cho họ thực thi quyền thánh chức, để phục vụ Dân Thiên Chúa theo phẩm trật của Hội Thánh. [323]
327/ H. Trong Cựu ước, Bí tích Truyền Chức Thánh được báo trước bằng những hình ảnh nào?
T. Trong Cựu ước, Bí tích Truyền Chức Thánh được báo trước bằng việc phục vụ của các thầy Lêvi, chức tư tế của ông Aaron và thể chế bảy mươi kỳ mục. [324]
328/ H. Trong Tân ước, các hình ảnh báo trước trong Cựu ước được kiện toàn thế nào?
T. Trong Tân ước, các hình ảnh này được kiện toàn nơi Đức Kitô vị Thượng Tế, theo phẩm hàm Menkixêđê, nhờ hy tế Thập giá của Ngài. [324]
329/ H. Bí tích Truyền Chức Thánh có những hiệu quả nào?
T. Bí tích Truyền Chức Thánh có những hiệu quả này:
- Một là ban tràn đầy Chúa Thánh Thần;
- Hai là làm cho người thụ phong nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô trong ba chức năng tư tế, tiên tri và vương đế theo từng cấp bậc của Bí tích Truyền Chức Thánh;
- Ba là trao ban một ấn tín thiêng liêng không tẩy xóa được. [328]
330/ H. Bí tích Truyền Chức Thánh gồm những cấp bậc nào?
T. Bí tích Truyền Chức Thánh gồm ba cấp bậc này: một là phó tế, hai là linh mục, ba là giám mục. [325]
331/ H. Việc truyền chức giám mục có những hiệu quả nào?
T. Việc truyền chức giám mục có những hiệu quả này:
- Một là trao ban sự trọn vẹn của Bí tích Truyền Chức Thánh;
- Hai là làm cho vị Giám mục trở thành người kế vị các Tông đồ;
- Ba là cho ngài gia nhập Giám mục đoàn, cùng với Đức Giáo Hoàng chăm sóc toàn thể Giáo Hội;
- Bốn là trao ban nhiệm vụ giảng dạy, thánh hóa và cai quản. [326]
332/ H. Đâu là nhiệm vụ của các giám mục trong Hội Thánh địa phương?
T. Các giám mục là nguyên lý và nền tảng hiệp nhất của Hội Thánh địa phương, là người đại diện Đức Kitô chu toàn nhiệm vụ của mình với sự giúp đỡ của các linh mục và phó tế. [327]
333/ H. Việc truyền chức linh mục có hiệu quả nào?
T. Việc truyền chức làm cho linh mục nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô Tư Tế và trao ban cho ngài khả năng hành động nhân danh Đức Kitô là Đầu. [328]
334/ H. Linh mục thi hành thừa tác vụ của mình thế nào?
T. Linh mục liên kết với các linh mục khác làm thành linh mục đoàn, để hiệp thông với Giám mục và dưới quyền ngài, chịu trách nhiệm về Hội Thánh địa phương. [329]
335/ H. Việc phong chức phó tế có hiệu quả nào?
T. Việc phong chức phó tế làm cho vị phó tế nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô là tôi tớ của mọi người, để phục vụ Hội Thánh trong thừa tác vụ Lời Chúa, trong việc phụng thờ Thiên Chúa và trong việc bác ái. [330]
336/ H. Bí tích Truyền Chức Thánh được cử hành thế nào?
T. Bí tích Truyền Chức Thánh được trao ban qua việc Giám mục đặt tay trên đầu tiến chức và đọc lời nguyện truyền chức. [331]
337/ H. Ai được quyền ban Bí tích Truyền Chức Thánh?
T. Chỉ có các Giám mục đã được tấn phong thành sự, mới có quyền trao ban ba cấp bậc của bí tích này. [332]
338/ H. Những ai có quyền lãnh Bí tích Truyền Chức Thánh?
T. Chỉ những người nam đã được rửa tội và có đủ điều kiện do Hội Thánh quy định, mới được lãnh Bí tích Truyền Chức Thánh. [333]
339/ H. Những người lãnh Bí tích Truyền Chức Thánh có phải sống độc thân không?
T. Những người lãnh Bí tích Truyền Chức Thánh buộc phải sống độc thân. Tuy nhiên, người nam đã lập gia đình có thể lãnh chức phó tế vĩnh viễn. [334]
340/ H. Những người lãnh Bí tích Truyền Chức Thánh thi hành tác vụ với thẩm quyền nào?
T. Những người lãnh Bí tích Truyền Chức Thánh thi hành tác vụ với thẩm quyền không do cộng đoàn ủy thác, nhưng do Đức Kitô trao ban. Họ thi hành tác vụ trong cương vị Đức Kitô là Đầu và nhân danh Hội Thánh. Vì thế, chức tư tế thừa tác khác biệt với chức tư tế cộng đồng mà các tín hữu đã lãnh nhận khi được rửa tội. [336]
341/ H. Người tín hữu có bổn phận nào đối với các vị Chủ chăn của mình?
T. Người tín hữu có bổn phận cầu nguyện, tôn trọng, vâng lời và cộng tác với các vị Chủ chăn của mình trong việc xây dựng Hội Thánh, đồng thời giúp đỡ các ngài về cả tinh thần lẫn vật chất (x. GH 37). [GLHTCG 907]