HỎI THƯA GIÁO LÝ BÀI 4 THÁNH KINH
BÀI SỐ 4 – THÁNH KINH
“Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính”. (2 Tm 3,16).
15. H. Thánh Kinh là gì?
T. Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa nói với chúng ta, được ghi chép lại dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. [18]
16. H. Thánh Kinh được viết ra như thế nào?
T. Chúa Thánh Thần đã soi dẫn một số người, để họ viết ra những điều Thiên Chúa muốn nói với chúng ta về những chân lý cần thiết cho ơn cứu độ. [18]
17. H. Chúng ta phải đọc và giải thích Thánh Kinh thế nào?
T. Chúng ta phải đọc và giải thích Thánh Kinh với ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần và sự hướng dẫn của Huấn quyền Hội Thánh. [19]
18. H. Hội Thánh đưa ra những tiêu chuẩn nào giúp chúng ta hiểu đúng Thánh Kinh?
T. Hội Thánh đưa ra ba tiêu chuẩn này:
- Một là chú ý đến nội dung và sự duy nhất của toàn bộ Thánh Kinh;
- Hai là đọc Thánh Kinh trong truyền thống sống động của Hội Thánh;
- Ba là chú ý đến sự hài hòa giữa các chân lý đức tin. [19]
19. H. Thánh Kinh có mấy phần?
T. Thánh Kinh có hai phần: một là Cựu ước, gồm 46 cuốn; hai là Tân ước, gồm 27 cuốn. [20.23]
20. H. Cựu ước là gì?
T. Cựu ước là những sách nói về lời hứa cứu chuộc của Thiên Chúa và việc chuẩn bị cho Chúa Cứu Thế ra đời. [21]
21. H. Tân ước là gì?
T. Tân ước là những sách nói về cuộc đời và lời giảng dạy của Chúa Giêsu, cũng như đời sống đức tin của Hội Thánh thuở ban đầu, trong đó quan trọng nhất là bốn sách Tin Mừng. [22]
22. H. Cựu ước và Tân ước liên quan với nhau thế nào?
T. Cựu ước chuẩn bị cho Tân ước và Tân ước hoàn thành Cựu ước. Cả hai soi sáng cho nhau. [23]
23. H. Đâu là trọng tâm của toàn bộ Thánh Kinh?
T. Trọng tâm của toàn bộ Thánh Kinh là Đức Giêsu Kitô, vì toàn bộ Thánh Kinh đều quy hướng và được hoàn tất nơi Ngài. [22]
24. H. Thánh Kinh cần thiết cho đời sống Kitô hữu thế nào?
T. Thánh Kinh củng cố đức tin và nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu, vì thế, chúng ta phải siêng năng đọc, học hỏi, suy gẫm và đem ra thực hành. [24]