HỎI THƯA GIÁO LÝ BÀI 76 LỊCH SỬ HỘI THÁNH TẠI VIỆT NAM
PHẦN V
PHẦN THỨ NĂM
HỘI THÁNH TẠI VIỆT NAM (651-670)
BÀI 76 – LỊCH SỬ HỘI THÁNH TẠI VIỆT NAM
“Hai ông cùng làm việc trong Hội Thánh ấy suốt một năm và giảng dạy cho rất nhiều người. Chính tại Antiôkhia mà lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Kitô hữu”. (Cv 11,26).
651/ H. Tin Mừng của Đức Kitô được loan báo cho người Việt Nam từ khi nào?
T. Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô được loan báo cho người Việt Nam từ thế kỷ mười sáu.
652/ H. Có bằng chứng nào cho biết Tin Mừng của Đức Kitô được loan báo cho người Việt Nam từ thế kỷ mười sáu không?
T. Theo Khâm Định Việt Sử, năm 1533, đời vua Lê Trang Tôn, có một thừa sai Tây phương tên là Inêkhu đã theo đường biển vào truyền đạo tại hai làng Ninh Cường và Trà Lũ, thuộc tỉnh Nam Định ngày nay.
653/ H. Để rao giảng Tin Mừng cho người Việt Nam, các vị thừa sai đầu tiên đã làm gì?
T. Để rao giảng Tin Mừng cho người Việt Nam, các vị thừa sai đầu tiên đã hòa nhập vào đời sống xã hội và văn hóa Việt Nam, đặc biệt sáng tạo và hoàn thành chữ Quốc ngữ với sự cộng tác của một số người Việt trong tu hội Thầy giảng.
654/ H. Các tín hữu đầu tiên đã cộng tác thế nào với các vị thừa sai trong công cuộc rao giảng Tin Mừng?
T. Các tín hữu đầu tiên đã giúp các vị thừa sai học ngôn ngữ và làm quen với phong tục Việt Nam, để các ngài có thể giảng đạo bằng tiếng Việt Nam. Các thầy giảng còn giúp các ngài dạy giáo lý, điều hành và duy trì các cộng đoàn Dân Chúa.
655/ H. Các tín hữu đầu tiên đã đón nhận và sống Tin Mừng thế nào?
T. Các tín hữu đầu tiên đã đón nhận Tin Mừng cách quảng đại, đơn sơ và chân thành. Họ đã sống đùm bọc yêu thương nhau, đến nỗi đồng bào lương gọi họ là những người theo đạo yêu nhau.
656/ H. Chứng nhân đức tin đầu tiên tại Việt Nam là những ai?
T. Là anh Phanxicô, làm việc bác ái mà bị tra tấn và bị giết năm 1630, tại Đàng Ngoài và thầy Anrê Phú Yên là học trò của cha Đắc Lộ, bị chém đầu năm 1644, tại Đàng Trong.
657/ H. Tòa Thánh đã thiết lập hai giáo phận đầu tiên trên đất Việt Nam thế nào?
T. Năm 1659, Tòa Thánh đã thiết lập hai giáo phận đầu tiên trên đất Việt Nam là Đàng Ngoài và Đàng Trong, đồng thời đặt Đức Giám mục Phanxicô Palu làm Đại diện Tông tòa giáo phận Đàng Ngoài và Đức Giám mục Lam-be-đờ-la-Mốt làm Đại diện Tông tòa giáo phận Đàng Trong.
658/ H. Công đồng đầu tiên của Hội Thánh Việt Nam được tổ chức tại đâu?
T. Công đồng đầu tiên của Hội Thánh Việt Nam được tổ chức tại Giu-thi-a, kinh đô Thái Lan, vào năm 1664.
659/ H. Công đồng chung tại Giu-thi-a bàn đến vấn đề gì?
T. Công đồng chung tại Giu-thi-a bàn đến việc biên soạn một bản điều luật dành cho các thừa sai và cộng tác viên của các ngài, gồm có vấn đề thánh hóa đời sống bằng việc truyền giáo, vấn đề truyền giáo cho lương dân và việc tổ chức các xứ đạo.
660/ H. Công đồng của giáo phận Đàng Ngoài được tổ chức tại đâu?
T. Công đồng của giáo phận Đàng Ngoài được tổ chức tại Phố Hiến, thuộc Hưng Yên, vào tháng 2 năm 1670, dưới quyền chủ tọa của Đức Giám mục Lam-be-đờ-la-Mốt.
660/ H. Công đồng của giáo phận Đàng Ngoài được tổ chức tại đâu?
T. Công đồng của giáo phận Đàng Ngoài được tổ chức tại Phố Hiến, thuộc Hưng Yên, vào tháng 2 năm 1670, dưới quyền chủ tọa của Đức Giám mục Lam-be-đờ-la-Mốt.
661/ H. Công đồng Phố Hiến bàn đến vấn đề gì?
T. Công đồng Phố Hiến đưa ra một chương trình hoạt động gồm có việc phân chia giáo xứ, chọn thánh Giuse làm bổn mạng Hội Thánh Việt Nam và ấn định việc đào tạo chủng sinh qua tổ chức Nhà Đức Chúa Trời.
662/ H. Linh mục đầu tiên người Việt Nam là những ai?
T. Là các linh mục Bênêđictô Hiền và Gioan Huệ ở Đàng Ngoài, linh mục Giuse Trang và Luca Bền ở Đàng Trong. Tất cả đều được Đức Giám mục Lam-be-đờ-la-Mốt truyền chức tại Thái Lan, ngày 31 tháng Giêng năm 1688.
663/ H. Các Kitô hữu đã sống đức tin thế nào trong thời kỳ Hội Thánh tại Việt Nam chịu thử thách?
T. Các Kitô hữu Việt Nam đã sống đức tin hết sức kiên cường; hàng trăm ngàn người đã đổ máu đào để minh chứng đức tin, trong số đó có 117 vị tử đạo gồm 8 giám mục, 50 linh mục và 59 giáo dân, đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô Đệ Nhị tôn phong lên bậc hiển thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988. Ngoài ra còn có thầy giảng Anrê Phú Yên được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô Đệ Nhị tôn phong chân phước ngày 5 tháng 3 năm 2000.
664/ H. Giám mục đầu tiên người Việt Nam là ai?
T. Giám mục đầu tiên người Việt Nam là Đức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng, ngài được Đức Thánh Cha Piô Mười Một tấn phong Giám mục ngày 11 tháng 6 năm 1933 tại Rôma.
665/ H. Hàng Giáo phẩm Việt Nam được thiết lập khi nào?
T. Hàng Giáo phẩm Việt Nam được Đức Giáo Hoàng Gioan Hai Mươi Ba thiết lập ngày 24 tháng 11 năm 1960, với 3 giáo tỉnh là Hà Nội, Huế và Sài-Gòn.
666/ H. Đường hướng mục vụ của Hội Thánh tại Việt Nam hiện nay là gì?
T. Đường hướng mục vụ của Hội Thánh tại Việt Nam hiện nay là “Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống” (Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010).
667/ H. Để “bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống”, Hội Thánh tại Việt Nam cần làm những gì?
T. Hội Thánh tại Việt Nam cần “xác tín và sống đúng với căn tính của mình, củng cố sự hiệp thông, phát huy nhiệt tình truyền giáo, để chu toàn sứ vụ yêu thương của Đức Kitô trên đất nước này” (Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 s.9).
668/ H. Hội Thánh tại Việt Nam chọn nơi nào để tôn kính Đức Mẹ cách đặc biệt?
T. Hội Thánh tại Việt Nam chọn Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang, để tôn kính Đức Mẹ với tước hiệu Đức Bà phù hộ các giáo hữu.
669/ H. Vì sao Hội Thánh tại Việt Nam chọn La Vang làm Trung tâm Hành hương?
T. Vì đó là nơi Đức Mẹ hiện ra vào năm 1798, để an ủi và nâng đỡ đức tin của các tín hữu đang trốn lánh cơn bắt đạo dưới thời Vua Cảnh Thịnh.
670/ H. Đền Thờ Đức Mẹ La Vang có vị trí nào trong lịch sử Hội Thánh tại Việt Nam?
T. Vào năm 1962, Đức Giáo Hoàng Gioan Hai Mươi Ba đã nâng Đền thờ Đức Mẹ La Vang lên bậc Vương Cung Thánh Đường; và năm 1976, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã chọn Đền thờ Đức Mẹ La Vang làm Trung tâm Hành hương.
HẾT