HỎI THƯA GIÁO LÝ BÀI 66 ĐIỀU RĂN THỨ BẢY
BÀI 66 – ĐIỀU RĂN THỨ BẢY: NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC TRỘM CẮP
“Anh em nợ ai cái gì, thì hãy trả cho người ta cái đó” (Rm 13,7).
552/ H. Điều răn thứ bảy dạy chúng ta sự gì?
T. Điều răn thứ bảy dạy chúng ta sống công bằng theo ba nghĩa này:
- Một là tôn trọng của cải người khác, vì mỗi người được quyền có của cải riêng;
- Hai là để bảo đảm nhân phẩm và nhu cầu cuộc sống, gọi là quyền tư hữu;
- Ba là tôn trọng tính toàn vẹn của công trình tạo dựng. [503-505]
553/ H. Điều răn thứ bảy đòi buộc những gì?
T. Điều răn thứ bảy đòi buộc những điều này:
- Một là tôn trọng của cải người khác;
- Hai là giữ các lời hứa đã cam kết;
- Ba là đền bù thiệt hại đã gây ra và trả lại cho người khác những gì đã lấy;
- Bốn là sử dụng khôn ngoan và chừng mực những tài nguyên thiên nhiên. [506]
554/ H. Con người phải có thái độ nào đối với các động vật?
T. Con người phải đối xử tốt đẹp với các động vật, vì chúng là những thụ tạo của Thiên Chúa, tránh yêu thương thái quá hoặc sử dụng cách mù quáng. [507]
555/ H. Điều răn thứ bảy cấm những điều gì?
T. Điều răn thứ bảy cấm trộm cắp, trả lương không công bằng, đầu cơ tích trữ, giả mạo chi phiếu hay hóa đơn, gian lận, trốn thuế, cho vay nặng lãi, tham nhũng, lạm dụng hoặc lãng phí của công, cố ý phá hoại tài sản của công và làm không tốt công việc bổn phận. [508]
556/ H. Điều răn thứ bảy có vai trò nào trong Học thuyết xã hội của Hội Thánh?
T. Điều răn thứ bảy là nền tảng cho Học thuyết xã hội của Hội Thánh. [503]
557/ H. Hội Thánh trình bày những gì trong Học thuyết xã hội?
T. Hội Thánh trình bày có hệ thống các chân lý của Tin Mừng về phẩm giá và chiều kích xã hội của con người, đề ra những nguyên tắc để suy tư, quy định những tiêu chuẩn để phán đoán, trình bày những quy luật và định hướng để hành động. [509]
558/ H. Khi nào Hội Thánh can thiệp vào lãnh vực xã hội?
T. Hội Thánh can thiệp vào lãnh vực xã hội khi các quyền căn bản của con người, lợi ích chung hoặc ơn cứu độ các linh hồn đòi hỏi. [510]
559/ H. Đời sống kinh tế và xã hội phải được thực hiện thế nào?
T. Đời sống kinh tế và xã hội phải được thực hiện nhằm phục vụ con người toàn diện và cộng đồng nhân loại, trong sự tôn trọng công bằng xã hội. [511]
560/ H. Điều gì nghịch lại Học thuyết xã hội của Hội Thánh?
T. Các hệ thống kinh tế và xã hội chủ trương hy sinh những quyền lợi căn bản của con người hay coi lợi nhuận là quy luật tuyệt đối và mục đích tối hậu của chúng, đều nghịch lại Học thuyết xã hội của Hội Thánh. [512]
561/ H. Lao động có ý nghĩa gì đối với con người?
T. Lao động vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi, nhờ đó con người cộng tác với Thiên Chúa trong công cuộc sáng tạo và cứu độ. [513]
562/ H. Người lao động được hưởng những quyền nào?
T. Người lao động được quyền có việc làm ổn định và lương thiện, không bị kỳ thị bất công, được tự do lựa chọn về mặt kinh tế và được hưởng lương xứng đáng với công sức của mình. [514]
563/ H. Nhà nước có trách nhiệm gì về vấn đề lao động?
T. Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm sự tự do cá nhân và quyền tư hữu, cũng như giá trị tiền tệ ổn định và những dịch vụ công ích có hiệu quả; đồng thời phải giám sát và hướng dẫn việc thực thi các quyền con người trong lãnh vực kinh tế. [515]
564/ H. Những người lãnh đạo xí nghiệp phải có trách nhiệm gì về vấn đề lao động?
T. Những người lãnh đạo xí nghiệp phải chịu trách nhiệm về mọi hậu quả do công việc của họ, đồng thời phải chú tâm đến lợi ích của mọi người. [516]
565/ H. Các công nhân có trách nhiệm gì?
T. Các công nhân phải chu toàn công việc một cách có lương tâm, thành thạo và nhiệt tình, tìm cách giải quyết các tranh chấp bằng đối thoại. [517]
566/ H. Các quốc gia và các tổ chức phải làm gì để thực hiện sự công bằng và tình liên đới?
T. Các quốc gia và các tổ chức phải hoạt động theo tình liên đới và nguyên tắc bổ trợ, nhằm giảm thiểu sự bất bình đẳng về tài nguyên và kinh tế, giảm nợ cho các nước nghèo, tránh mọi hình thức bóc lột và bất công. [518]
567/ H. Các Kitô hữu giáo dân tham gia vào đời sống chính trị và xã hội thế nào?
T. Các Kitô hữu giáo dân trực tiếp tham gia vào đời sống chính trị và xã hội, bằng cách làm cho tinh thần Kitô giáo thấm nhập vào các thực tại trần thế và cộng tác với mọi người để kiến tạo công lý và hòa bình. [519]
568/ H. Đâu là nền tảng của tình yêu đối với người nghèo?
T. Tình yêu đối với người nghèo đặt nền tảng trên Tám Mối Phúc của Tin Mừng và gương Chúa Giêsu, Đấng luôn quan tâm đến người nghèo. [520]