HỎI THƯA GIÁO LÝ BÀI 39 TÍCH THỐNG HỐI
BÀI 39 – BÍ TÍCH THỐNG HỐI
“Bấy giờ người con nói rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…”. (Lc 15,21).
294/ H. Bí tích Thống Hối là gì?
T. Là bí tích Chúa Giêsu đã lập, để tha các tội riêng chúng ta đã phạm từ khi lãnh Bí tích Rửa tội về sau, cùng giao hòa chúng ta với Thiên Chúa và Hội Thánh. [296. 298]
295/ H. Chúa Giêsu đã lập Bí tích Thống Hối khi nào?
T. Chúa Giêsu đã lập Bí tích Thống Hối khi Ngài hiện ra với các Tông đồ vào chiều ngày Phục sinh và nói rằng: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần; anh em tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì tội người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23). [298]
296/ H. Bí tích Thống Hối có những yếu tố chính yếu nào?
T. Bí tích Thống Hối có hai yếu tố chính yếu này:
- Một là hành vi của người sám hối;
- Hai là lời xá giải của linh mục. [302]
297/ H. Muốn lãnh Bí tích Thống Hối chúng ta phải làm gì?
T. Muốn lãnh Bí tích Thống Hối chúng ta phải làm bốn việc này:
- Một là xét mình;
- Hai là ăn năn và dốc lòng chừa;
- Ba là xưng tội;
- Bốn là đền tội. [303]
298/ H. Xét mình là gì?
T. Xét mình là khiêm nhường nhớ lại tội lỗi mình đã xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân. [GLHTCG 1454]
299/ H. Ăn năn tội và dốc lòng chừa là gì?
T. Ăn năn tội và dốc lòng chừa là thật lòng chê ghét các tội đã phạm và quyết tâm từ nay không phạm tội nữa. [GLHTCG 1451-1454]
300/ H. Xưng tội là gì?
T. Xưng tội là thành tâm thú nhận với linh mục, đại diện Chúa Kitô, các tội mình đã phạm. [GLHTCG 1455-1456]
301/ H. Phải xưng những tội nào?
T. Phải xưng các tội trọng nhớ được mà chưa xưng. [304]
302/ H. Khi nào các tín hữu buộc phải xưng các tội trọng?
T. Khi đến tuổi khôn, mọi tín hữu buộc phải xưng các tội trọng của mình ít nhất một năm một lần và trong mọi trường hợp, phải xưng các tội trọng trước khi rước lễ. [305]
303/ H. Vì sao Hội Thánh khuyên chúng ta nên xưng các tội nhẹ?
T. Vì việc xưng các tội nhẹ giúp chúng ta có được một lương tâm ngay thẳng và chiến đấu chống lại những hướng chiều về đàng xấu, nhờ đó được Đức Kitô chữa lành và tiến triển trong đời sống theo Thánh Thần. [306]
304/ H. Đền tội là gì?
T. Đền tội là làm việc cha giải tội chỉ định, để tạ lỗi với Chúa và đền bù thiệt hại do tội lỗi gây ra. [GLHTCG 1459-1460]
305/ H. Ngoài việc xưng tội còn có những hình thức sám hối nào?
T. Ngoài việc xưng tội, Hội Thánh còn nhấn mạnh đến ba hình thức sám hối là ăn chay, cầu nguyện và làm phúc bố thí. [301]
306/ H. Những ai trong Hội Thánh có quyền tha tội?
T. Các Giám mục và những linh mục được quyền giải tội, đều có quyền tha tội nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi. [307]
307/ H. Cha giải tội có buộc phải giữ bí mật tòa giải tội không?
T. Cha giải tội buộc phải giữ “ấn tín tòa giải tội”, nghĩa là phải giữ bí mật tuyệt đối về những gì người ta đã xưng trong tòa giải tội. [309]
308/ H. Bí tích Thống Hối có những hiệu quả nào?
T. Bí tích Thống Hối có những hiệu quả này:
- Một là tha tội để giao hòa chúng ta với Thiên Chúa và Hội Thánh;
- Hai là tha hình phạt muôn đời do các tội trọng đã gây ra và tha một phần các hình phạt tạm;
- Ba là ban sự bình an và gia tăng sức mạnh cho cuộc chiến đấu thiêng liêng của người Kitô hữu. [310]
309/ H. Khi nào được xưng tội chung và xá giải tập thể?
T. Khi có trường hợp thật sự khẩn cấp, mới có thể xưng tội chung và xá giải tập thể, nhưng người lãnh nhận phải quyết tâm xưng riêng các tội trọng vào thời gian sớm nhất. [311]
310/ H. Ân xá là gì?
T. Ân xá là việc tha thứ những hình phạt tạm đáng chịu vì những tội chúng ta đã phạm, dù những tội này đã được tha thứ. [312]
311/ H. Có mấy thứ ân xá?
T. Có hai thứ ân xá:
- Một là đại xá: tha tất cả các hình phạt;
- Hai là tiểu xá: tha một phần các hình phạt. [312]